...... ...  

 

 

Tứ Ân

I.  Lời mở đầu:

Làm người ở đời, được sống, được thành đạt cái gì, toàn nhờ công ơn của mọi người, của xã hội, của chúng sanh. Nhất là người Phật tử lại còn mang ơn với Phật, Pháp, Tăng đã đem lại trí huệ cho mình. Cho nên muốn thành tựu nhân cách, muốn nhận rõ ý niệm của đời sống tương quan, không thể không biết đến bốn ân và những phương cách đền đáp.

II.  Hành tướng bốn ân gồm có:

Ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc gia xã hội, ân Tam Bảo.

 1. Ân cha mẹ: Chín tháng cưu mang. Mẹ bỏ ăn mất ngủ, thân thể không an, đến khi sanh sản đau đớn vô cùng không khác gì đứt từng khúc ruột, còn cha phải chạy ngược chạy xuôi, lo sắm vật dụng để chu toàn cho mẹ con, và hồi hộp trông mong cho mẹ con được vuông tròn. Khi mới sanh phải nhờ cha mẹ cho ăn uống, bồng ẳm, nuôi dưỡng, không thể rời xa được một ngày. Mỗi khi đau ốm thì cha mẹ quên ăn bỏ ngủ quanh quẩn bên giường bệnh để lo săn sóc thuốc thang. Ðến khi khôn lớn, cha mẹ phải lo dạy dỗ để con đủ tư cách làm người.

 2. Ân thầy bạn: Thầy là những người đã khai mở và nâng cao trình độ hiểu biết cho chúng ta, là những người đã ra công dạy dỗ chúng ta. Thầy bạn luôn luôn khuyến khích hướng dẫn trong những trường hợp khó khăn. Bây giờ biết đọc biết viết, biết nhận xét toàn nhờ công ơn của thầy bạn đã luôn luôn dạy bảo và dìu dắt.

 3. Ân quốc gia xã hội: Nhờ những vị có công xây dựng nước nhà, mở mang các công nghệ, dẹp trừ những tệ đoan xã hội, đem lại thanh bình cho đất nước nên ta mới có sự an vui, thái bình thịnh vượng.

4. Ân Tam Bảo:

A.  Ân Phật-bảo

a) Xả quốc, thành thê tử: Vì muốn cứu độ chúng sanh, nên đức Phật bỏ tất cả quốc thành, bửu vị, thê tử, quyến thuộc để xuất gia tìm đạo.

b) Sáu năm khổ hạnh: Vì muốn chứng chơn lý để giải thoát chúng sanh, nên Ngài đã quên đói rét, tu khổ hạnh sáu năm trời. Rồi Ngài lại ngồi tham thiền 49 ngày dưới gốc cây Tát ba la để thành đạo cứu độ chúng sanh.

c) Thuyết pháp giáo hóa: Trong 49 năm, Ngài không quản những nỗi gian lao khổ nhọc đi khắp đó đây, để thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo căn cơ mà dạy dỗ, dẫn dắt chúng sanh, để chánh pháp được lưu truyền muôn thuở.

B.     Ân Pháp bảo:

a) Mở đường giải thoát: Nhờ pháp bảo, chúng ta mới biết đường lối tu hành, thoát ly sanh tử, chứng cảnh giới thanh tịnh an vui.

b) Giản trạch tà chánh: Nhờ pháp bảo, chúng ta nhận rõ được sự lý trong vũ trụ, phân biệt được các pháp tà chánh.

c) Diệt ác hưng thiện: Pháp bảo có công năng dẹp trừ những ác pháp, bồi đắp, phát khởi các thiện pháp.

C.     Ân Tăng bảo:

a) Duy trì chánh pháp: Các vị xuất gia tu hành, phiên dịch, diễn giảng ba Tạng giáo điển, khiến Phật pháp thường còn không mất.

b) Thay Phật thuyết pháp: Sau khi Ðức Phật nhập diệt, các vị Tăng, Ni chịu lời phúc chúc của đức Phật, đem đạo mầu giáo hóa khắp nơi.

c) Truyền trao giáo pháp: Các vị tại gia cư sĩ muốn phát tâm cầu đạo giải thoát, đều nhờ các vị Tăng, Ni truyền trao giới pháp nêu gương tu hành.

III.  Làm cách nào để đền trả bốn ân?

1.   Cung kính vâng lời hết lòng phụng dưỡng cha mẹ.

2.   Siêng năng học hành để khỏi phụ lòng thầy dạy dỗ chúng ta, hết lòng cung kính thầy và thương mến bạn bè.

3.   Làm tròn bổn phận người công dân, làm cho văn hóa nước nhà được dồi dào, phát huy đạo đức đưa dân chúng đến con đường thiện mỹ. Kinh doanh để nâng cao đời sống xã hội.

4.   Nghiên cứu học tập kinh điển Phật dạy, phát huy đạo pháp, tập sống đúng như lời Phật dạy. Trọn đời quy ngưỡng Phật Pháp Tăng, cung kính cúng dường các vị tu hành giới thanh tịnh.. 

IV.  Kết luận:

Không phân biệt người sang kẻ hèn, đã sống ở đời thì phải biết bốn ân và tìm tất cả phương tiện để đền trả. Riêng đối với người Phật tử, được nhận rõ công ơn của chúng sanh, của Phật Pháp Tăng nên cần phải luôn luôn cố gắng đền đáp bốn ân. Sống đúng theo lời Phật dạy là cách đền ơn thiết thực nhất của người Phật Tử.

(Sưu tập và tổng hợp từ tài liệu ngành thiếu Gia Đình Phật Tử)

 

Trở về trang bài vở

 

 

 

Trở về trang nhà