...... ...  

 

 

Niệm ân Trưởng lão Ni

 

HẠNH CHIẾU

 

Như một người mẹ, hay hơn cả người mẹ, Ngài Kiều Đàm Di là một bậc Thầy xuất cách của Ni giới. Nếu không có Ngài thì đã không có chúng con ngày hôm nay. Thế nên chúng con luôn hướng về Ngài, không chỉ tưởng niệm ân đức mà xin nguyện suốt đời, đời đời, đi theo con đường Ngài đã đi, cho tới bao giờ gặp lại chân thân Trưởng lão Ni.

Thánh điển của Trưởng lão Ni ghi lại, người con gái Như Lai nào mà chẳng biết câu chuyện xả thân cầu đạo của Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng với 500 công nương thành Ca Tỳ La Vệ thuở xưa. Hình ảnh và câu chuyện ấy không phải chỉ để cho người sau chớp mắt, chép miệng khen ngợi qua rồi thôi. Nếu chỉ như vậy thì thật là đáng buồn và đáng trách quá đi! Bởi vì ở đó là cả một cuộc cách mạng vĩ đại, một hành trình chuyển mê khai ngộ, một cuộc dấn thân lớn phá tan cái định kiến muôn thuở về thân phận nữ nhi thường tình. Ai ngờ “con gái” cũng có thể thành Phật! Và vì thế, đó cũng là một di huấn tối hậu cho chúng đệ tử Ni đời sau mạnh dạn cất bước lên đường, tìm về trú xứ chân thật an ổn của chính mình.

Cho nên sự có mặt của chư Thánh đệ tử Ni là một hùng lực chắp cánh cho hàng Ni lưu hậu sanh đạp lên chông gai mà đi. Không phải sắc và hương mà là tâm và trí, máu và mồ hôi…Di mẫu cùng 500 công nương đầu đội trời, chân đạp đất, băng suối vượt rừng đã làm rúng động Tăng đoàn, Như Lai cũng phải gật đầu chịu phép cho các Ngài xuất gia. Chúng ta có được ngày hôm nay, tất cả đều do những bước chân uy dũng mở đường của chư Thánh Ni ngày xưa.

Ngài Kiều Đàm Di đã dạy cho chúng Tỳ kheo ni đời sau một điều: Đừng có ở đó mà nói suông, mà yếu đuối chờ đợi, mà chôn vùi đời mình trong cát bụi tử sinh. Hãy lên đường! Cạo tóc bỏ dép là tháo gỡ mọi buộc ràng đối đãi nhị nguyên, không vướng mắc buồn vui thương ghét, khổ lụy thân tâm, đạp trên đất thật mà đi. Bước được từng bước vững chãi trong nhân gian, trong cõi đời đầy uế trược mới biết thế nào là chân cứng đá mềm, thế nào là cư trần bất nhiễm trần. Vì vậy ngoài sự yên định của những thời khóa công phu, của không gian cô tịch chốn thiền môn, còn lại là những phút giây đến với huynh đệ, đến với cuộc đời để mà lắng nghe, chia sẻ, đồng sự và trên hết là để biết mình biết người mà lo…tu tiếp. Không khéo sẽ rơi vào lỗi ích kỷ vì mình hay vong thân vì người thì uổng mất một đời tu.

Đức Phật quả thật là đấng Đại giác bi trí tròn đầy khi trao cho Ni giới pháp Bát kỉnh. Và ngài Kiều Đàm Di càng như sao Khuê sao Mai, sáng mãi trong lòng hậu thế Ni lưu, khi ngài cất lên tiếng gầm rống Đại hùng Đại lực của loài sư tử vương: Kính bạch Thế Tôn, đừng nói là Bát kỉnh pháp, mà dù có trăm ngàn kỉnh pháp đi nữa, chúng con cũng nguyện cúi đầu vâng giữ, miễn là Thế Tôn cho phép nữ nhân chúng con xuất gia. Câu nói này trăm năm sau, nghìn năm sau đã khẳng định một điều, đối với những người con gái Như Lai, một lòng cầu đạo giác ngộ giải thoát thì không gì có thể quan trọng hơn chuyện thành Phật. Bát kỉnh pháp chính là thành trì kiên cố nhất để bảo vệ đời sống phạm hạnh Ni giới và là vũ khí sắc bén nhất để phá tan cái bản ngã chôn vùi mình từ muôn kiếp, đưa chúng ta đi đến bến bờ giải thoát an vui, vĩnh viễn thoát khỏi trầm luân sinh tử.

Người xưa nói học đạo quý ở chỗ quên thân. Hình ảnh của những bậc Đại Ni đã và đang hiển hiện trong cuộc đời, là ánh sáng thắp lên cho chúng ta một niềm tin, một tình thương và hơn hết là một nguồn tuệ giác vô biên. Mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với Chánh pháp của Như Lai. Thời gian không hẹn, chúng ta cùng nhau mạnh dạn tiến thẳng về phía trước, theo dấu chân của nữ Tôn giả Kiều Đàm Di và chư Thánh đệ tử Tỳ kheo ni.

Tuy nhiên, phải nhớ cẩn trọng và khiêm tốn, giữ gìn từng bước chân. Bởi vì đó là nét đẹp muôn thuở của những người con gái Như Lai.

 

Trở về trang bài vở

 

 

 

Trở về trang nhà