...... ...  

 

 

THƯƠNG YÊU

LÀ THÔNG CẢM

 

 

Tỳ Kheo Visuddhicara - Bình An Sơn trích dịch

(Trích dịch: "Loving and Dying”, Bhikkhu Visuddhicara)

            

            Tình thương yêu vượt qua mọi rào cản. Tình thương yêu thấy và cảm nhận được chúng ta đều cùng một giống, đó là nhân loại. Nước mắt chúng ta đều mặn, và máu chúng ta đều đỏ như nhau. Khi đã có tình thương yêu và từ tâm, chúng ta có thể thông cảm với người khác. Chúng ta thấy rằng mình cùng đi trên một con thuyền trong cơn sóng gió biển cả cuộc đời. Chúng ta là bạn khổ đồng hành trong biển trầm luân, cái vòng sinh tử luân hồi trong cõi Ta bà. Chúng ta là anh chị em lẫn nhau qua nhiều đời, nhiều kiếp...

            Khi chúng ta nhận thức được  trên thế gian này, nhân loại  và các loài chúng sinh khác đều chịu quá nhiều đau khổ, việc tối thiểu mà ta có thể làm được khi còn sống là góp phần vào việc làm giảm bớt nỗi khổ đau ở chung quanh ta.

            Có nhiều người phục vụ nhân loại bằng nhiều cách tuyệt vời. Họ đã và đang góp phần thiện nguyện cung cấp dịch vu an sinh xã hội, trợ giúp người bệnh, người tàn tật, người nghèo đói, người già, người sắp chết và những người đang lâm cảnh khó khăn. Tất cả những bậc khai sáng tôn giáo đều dạy các tín đồ phải làm việc từ thiện. Trong Phật giáo, chúng ta không tin vào một đấng Tạo hóa nhưng chúng ta tin vào lòng tốt và giữ giới không sát hại sinh linh. Chúng ta tin vào luật nghiệp báo nhân quả – làm tốt thì được tốt và làm xấu thì bị xấu. Do đó, chúng ta luôn luôn cố gắng tu tập làm điều tốt, tránh các điều bất thiện như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu hoặc dùng các chất say. Chúng ta tu tập để đạt tới mức độ mình làm việc thiện vì đó là việc thiện chứ không phải vì sợ bị đọa xuống địa ngục hoặc vì muốn được ân thưởng về sau. Chúng ta làm tốt vì ta vui thích làm tốt, và tự nhiên ta có khuynh hướng làm tốt. Nói cách khác, chúng ta không còn biết làm gì hơn là làm thiện, làm tốt. Thiện và ta là một.

            Đức Phật dạy hàng đệ tử phải có lòng từ thiện và quan tâm đến người khác. Khi dạy về lòng bố thí, Ngài nói bất cứ một nỗ lực nhỏ nào cũng quý. Ngay cả ném miếng vụn bánh mì xuống nước để cho cá ăn cũng được Đức Phật khen ngợi. Một lần nọ, khi vài Tỳ kheo không chăm sóc một vị Tỳ kheo đang bị bệnh kiết lỵ, Đức Phật đã tự tay tắm rửa cho vị Tỳ kheo đó và khiển trách các vị kia, nói rằng: “Ai chăm sóc người bệnh, người ấy chăm sóc Như Lai” (Mahavagga VIII 26.1-8). Đức Phật khuyến khích các bậc vua chúa nên cai trị xứ sở với lòng từ ái. Ngài khuyên họ nên diệt nạn nghèo đói, vì đó là nguyên nhân sinh ra trộm cướp và các tội ác khác. Vốn là một người yêu chuộng hòa bình, Đức Phật đã từng đứng ra can gián khi hai bộ tộc có ý định gây chiến chỉ vì tranh giành một khúc sông. Đức Phật hỏi hai bên: “Cái gì quan trọng hơn – nước sông hay máu người đổ xuống vì chiến tranh?”. Hai bên nhận ra sự phi lý của cuộc tranh chấp và quyết định rút lui, không đánh nhau.

            Một trong những vị vua nhân từ nhất đã chịu ảnh hưởng giáo pháp của Đức Phật là vua A Dục (Asoka), trị vì Ấn Độ vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, khoảng 200 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Nổi tiếng về lòng nhân đạo, vua A Dục còn dành sự rộng rãi và từ tâm đến cả loài thú. Ngài đã từng gởi các y sĩ đến chữa bệnh cho cả người lẫn thú. Ngài xây nhà nghỉ cho khách lữ hành, và dưỡng đường cho người nghèo và người bệnh. Mặc dù là một Phật tử thuần thành, vua A Dục cũng cho phép dân chúng được theo bất cứ đạo nào và còn hỗ trợ cho các giáo phái khác. Vua A Dục xem vai trò của mình là một người cha nhân từ và xem thần dân như con, ngài nói rằng ngài muốn người dân có được “mọi sự thịnh vượng và hạnh phúc”.
Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta theo lời Phật dạy, ta sẽ có những hành động tương tự như vua A Dục để làm giảm thiểu sự đau khổ, mở rộng hòa bình và hạnh phúc. Chính Đức Phật là một tấm gương tốt đẹp nhất để chúng ta noi theo, vì Ngài đã dâng hiến cuộc đời của mình để cho mọi người thấy được con đường thoát khổ. Ngài không chỉ muốn làm giảm khổ mà Ngài còn chỉ dạy con đường đưa đến diệt khổ một cách rốt ráo. Sau khi chứng ngộ, Ngài đã dùng trọn 45 năm còn lại của đời mình để dạy chúng ta cách thức diệt khổ. Ngài dạy con đường tỉnh giác.

            Đức Phật nhận ra rằng chỉ bằng cách tu tập thật rốt ráo thì người ta mới có thể diệt khổ. Mặc dù việc săn sóc người đau ốm, chữa lành bệnh tật, cung cấp thực phẩm và giúp đỡ vật chất cho người bần hàn là một phần của việc cứu khổ, Đức Phật muốn làm hơn là chỉ chữa trị những triệu chứng: Ngài tìm một sự chữa trị dứt hoàn toàn cơn bệnh khổ. Do đó, Ngài suy nghiệm toàn bộ vấn đề sinh và tử. Ngài thấy để giải quyết vấn đề ở tận gốc rễ của nó, thì cần phải thay đổi tâm thức một cách rốt ráo. Sự đau khổ chủ yếu là do nơi tâm. Khi một người bị đau đớn về thể xác, người đó thường phản ứng bằng sự buồn rầu, sợ hãi và chán nản. Nhưng Đức Phật nói nếu là một người biết hành thiền thì người đó có thể chịu được cơn đau thể xác mà không bị đau về tinh thần. "Thân có đau, nhưng đừng để tâm đau theo”, Ngài dạy như thế. Nói cách khác, người ấy không phản ứng với cơn đau bằng sự buồn rầu, lo âu, chán nản, oán ghét, sân hận, v.v... Ngược lại, người ấy đáp ứng với một tâm an định và bình thản. Người ấy còn có thể vui vẻ và ngay cả an ủi khuyến khích những người khác.

            Vậy thì Đức Phật thấy vấn đề chủ yếu là do Tâm. Nếu chúng ta có thể loại trừ được tham, sân, si ra khỏi tâm thức mình, chúng ta có thể hoàn toàn chế ngự và tiêu diệt được sự khổ não về tinh thần, như băn khoăn và lo lắng, sầu não và than van. Về sự đau khổ thể xác, ta phải thừa nhận đó là điều không thể tránh khỏi khi ta hiện hữu với cái thân xác này. Tất cả chúng ta đều biết sự thật là không ai có thể thoát khỏi già lão, bệnh hoạn, tử vong. Nhưng Đức Phật nói một khi tâm chúng ta được thanh tịnh, không còn mọi bợn nhơ của tham, sân, si, thì cơn đau thể xác không còn làm ta sợ hãi nữa. Không gì lay chuyển ta được nữa. Không gì làm ta tức bực được nữa, dù đó là cơn đau đớn kịch liệt mà những loại bệnh nan y có thể đem đến. Tâm ta có thể vẫn giữ điềm nhiên. Vì vậy, có lần ngài Anurudda, một đại đệ tử của Đức Phật, được hỏi là làm sao ngài có thể giữ sự an nhiên khi bị bệnh nặng, ngài trả lời rằng đó là vì ngài đã làm chủ được tâm của mình qua việc hành thiền giác niệm do Đức Phật dạy.

            Ngoài ra, Đức Phật cũng dạy là nếu người nào đã đạt đến mức độ diệt được tham, sân, si, thì sẽ không còn phải tái sinh nữa. Khi người ấy chết, đó là kiếp cuối của bậc thánh A la hán. Người ấy đã đạt đến trạng thái Niết bàn an lạc, vô sinh. Vì không còn tái sinh, người ấy không còn phải trải qua cảnh lão, bệnh, tử. Đức Phật nói, đó mới là diệt khổ.

            Giảm bớt khổ đau
            Trên con đường nỗ lực tinh tấn chấm dứt hoàn toàn sự khổ, chúng ta nên giúp khổ bằng mọi cách trong khả năng của chúng ta. Thế gian này không thiếu gì những cảnh khổ ải. Con người gánh chịu khổ não qua nhiều cách khác nhau. Khi đọc tin tức trên báo chí, ta thấy cái khổ ở mọi nơi. Người ta cãi nhau, đánh nhau, giết nhau, cướp bóc, dối trá, lừa đảo, và gây khổ cho nhau bằng đủ mọi cách. Chúng ta làm khổ cho nhau, do sự mê muội của chúng ta. Ngoài ra, còn biết bao thiên tai, tai nạn, rủi ro, đói khát, bệnh tật. Và cảnh lão, bệnh, tử luôn luôn theo sát chúng ta từng bước.

            Thực tế, thế gian này tràn đầy khổ ải. Tại sao chúng ta lại đổ thêm khổ ải vào đó? Tại sao chúng ta không chịu dấn thân, giúp làm giảm bớt khổ ải? Ngay cả nếu không làm được nhiều, chúng ta cũng có thể làm được chút ít. Mọi nỗ lực, dù lớn dù nhỏ, đều tốt cả. Như có người đã nói: “Không có cái sai lầm nào lớn hơn cái sai lầm là mình không chịu làm gì cả bởi vì nghĩ rằng mình chỉ có thể làm được quá ít”. Mỗi chúng ta đều có thể làm được một chút ít gì đó, tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mình. Trước hết, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách ăn ở, cư xử tử tế hơn. Chúng ta có thể kiểm soát cơn giận của chúng ta. Mỗi khi giận dữ, chúng ta gây khổ não cho chính mình và người khác. Nhưng nếu chúng ta kiểm soát được sự giận dữ và nuôi dưỡng lòng bao dung và nhẫn nại, tình thương và từ tâm, điều đó sẽ giúp rất nhiều cho việc mang niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác.

            Nói cách khác, chúng ta bắt đầu bằng cách thanh tịnh tâm, trừ khử mầm mống bất thiện và tiêu cực của tham, sân, si. Dựa vào khả năng kiểm soát được các trạng thái bất thiện này, chúng ta phát triển tình thương và tâm từ. Chúng ta trở nên tử tế hơn trong quan hệ với những người chung quanh. Chúng ta nói chuyện một cách thương yêu và dịu dàng hơn, và tránh những lời cộc cằn lỗ mãng, châm biếm mỉa mai. Chúng ta trở nên quan tâm nhiều hơn về sự an vui của người khác. Nếu chỉ biết lo cho chính quyền lợi của mình thì chúng ta sẽ không thể thương yêu nhiều được. Muốn thương yêu được nhiều, chúng ta phải quan tâm đến người khác, chứ không phải chỉ riêng có bản thân mình. Vì vậy, chúng ta phải tự hỏi, mình có thương yêu đủ chưa? Mình có quan tâm đủ chưa? Nếu chưa, thì chúng ta chưa thể làm gì để giảm bớt sự khổ. Bởi chính từ tình thương yêu thực sự mà chúng ta mới có những hành động cụ thể.
Mỗi người chúng ta đóng góp theo cách riêng của mình, theo bất cứ cách thức nào mà mình biết. Chẳng hạn, chúng ta có thể đóng góp bằng cách chia sẻ kiến thức về Phật pháp mà mình biết, cho dù sự hiểu biết của mình còn rất hạn chế. ta có thể khuyến khích mọi người hành thiền và hướng dẫn họ chút ít trên đường tu học. Ta có thể kêu gọi mọi người thương yêu, quan tâm đến nhau hơn, tử tế và kiên nhẫn với nhau hơn, v.v... Dĩ nhiên chúng ta không hoàn toàn, và có những lúc, chúng ta không làm tròn vai trò của mình. Có câu tục ngữ nói rất đúng, rằng: “Nói thì dễ, nhưng làm được lời mình nói thì rất khó”. Vì vậy, ta cũng nên là người đầu tiên đứng ra nhìn nhận những nhược điểm của mình và chấp nhận sửa sai. Chúng ta thường có tác ý tốt và không có ý định hại ai, nhưng do sự sơ hở, thiếu hiểu biết, thiếu nhẫn nại, thiếu bao dung, tự kiêu tự đại v.v..., chúng ta có thể làm khổ phiền người khác. Nhưng một người có tâm hồn cao thượng sẽ thông cảm và tha thứ cho ta. Khả năng tha thứ là một đức tính tuyệt vời, vì vậy mới có câu “Lầm lỗi là người, tha thứ là thánh”.

            Bạn cứ sẵn sàng chia sẻ, đóng góp, bố thí, và chỉ có bạn mới biết cách nào mình có thể đóng góp hay nhất, tốt nhất. Mỗi người chúng ta đều có sở trường, tài nghệ và năng khiếu khác nhau. Điều kiện và hoàn cảnh mỗi người một khác, cho nên chúng ta đóng góp theo cách thức riêng của mình, tùy theo điều kiện và căn duyên của mình. Điều quan trọng là ta có cố gắng; ta làm theo khả năng của mình. Bất cứ một đóng góp nhỏ nhặt nào cũng tốt, và sau một thời gian thì ta sẽ nhận ra rằng mình đã làm được khá nhiều việc. Và đó là dịp để ta hoan hỷ. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là ta nên ngừng nghỉ trên sự hoan hỷ đó. Còn rất nhiều việc phải làm, nên ta phải tiếp tục cố gắng, tiếp tục tinh tấn thêm.

            Thương yêu là thông cảm

            Muốn chết lành, chúng ta phải sống tốt. Nếu đã sống tốt thì chúng ta có thể chết lành, không có hối tiếc. Chúng ta ra đi bình an, hài lòng rằng mình đã làm tất cả những gì mình có thể làm được, rằng trong đời mình đã chia sẻ sự cảm thông và hạnh phúc, rằng mình đã sống theo những nguyên tắc của mình dựa trên tình yêu thương của tâm từ.

            Thương yêu là thông cảm. Tình thương yêu không phán xét hay lên án. Tình thương yêu lắng nghe và thông hiểu. Tình thương yêu quan tâm và có thiện cảm. Tình thương yêu chấp nhận và tha thứ. Tình thương yêu không có ranh giới. Tình thương yêu không phân biệt, không nói: Tôi theo Nam tông, anh theo Bắc tông hoặc Mật tông. Tình thương yêu không nói: Tôi theo Phật giáo còn anh theo Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, hoặc Ấn Độ giáo. Hoặc tôi là người Hoa, chị là người Mã Lai, ông kia là người Ấn, bà nọ là người Âu. Hoặc tôi là người phương Đông, còn anh là người phương Tây; hoặc tôi là người Hàn Quốc, anh là người Nhật, người Mỹ, người Miến, người Thái, v.v...

            Tình thương yêu vượt qua mọi rào cản. Tình thương yêu thấy và cảm nhận được chúng ta đều cùng một giống, đó là nhân loại. Nước mắt chúng ta đều mặn, và máu chúng ta đều đỏ như nhau. Khi đã có tình thương yêu và từ tâm, chúng ta có thể thông cảm với người khác. Chúng ta thấy rằng mình cùng đi trên một con thuyền trong cơn sóng gió biển cả cuộc đời. Chúng ta là bạn khổ đồng hành trong biển trầm luân, cái vòng sinh tử luân hồi trong cõi Ta bà. Chúng ta là anh chị em lẫn nhau qua nhiều đời, nhiều kiếp.

            Một khi ta đã thấy và cảm nhận điều này, thì mọi rào cản về chủng tộc, tôn giáo, ý thức hệ, v.v... sẽ sụp đổ. Ta mở rộng cánh tay với một con tim yêu thương thuần tịnh. Ta thông hiểu và cảm nhận được cái khổ của người khác. Tâm từ sẽ bao trùm thân ta. Trong lời nói hoặc hành động của ta, người khác sẽ cảm nhận được tình thương yêu và tâm từ này. Nó sẽ làm an dịu và chữa lành khổ ải của mọi người. Nó sẽ góp phần vào nền hòa bình và sự cảm thông trên thế giới.

            Chuyện con bò cạp

            Tình thương yêu đi đôi với tâm từ. Khi có được một trái tim thương yêu, tâm từ sẽ hiện hữu dễ dàng trong ta. Mỗi lần thấy một người chịu khổ, ta tự cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó để giúp giảm sự khổ cho người ấy. Tâm từ tạo ra một đức tính muốn loại trừ hết mọi sự khổ. Chúng ta có thể nhận ra ngay điều đó, khi ta có hành động tức thời để chấm dứt hoặc giảm bớt nỗi khổ của một người nào.

            Câu chuyện sau đây sẽ giúp hiểu rõ hơn: Một người nọ thấy một con bò cạp sắp chết đuối trong một vũng nước. Tự nhiên thấy lòng muốn cứu nổi lên, ông ta không chần chừ chút nào và đưa tay ra vớt con bò cạp khỏi vũng nước, đặt nó xuống chỗ khô ráo. Con bò cạp liền chích ông ta. Và vì muốn qua đường, nó tiếp tục đi và lại rớt vào vũng nước. Thấy nó sắp chết đuối, người đàn ông vớt nó lên lần thứ hai và lại bị nó chích nữa. Một người khác thấy vậy bèn hỏi: “Tại sao ông dại quá vậy? Ông bị bò cạp chích chẳng những một lần mà đến hai lần! Thật là điên rồ khi phải cứu vớt một con bò cạp!”. Người đàn ông trả lời: “Thưa ông, tôi không thể làm ngơ được. Bản tính của con bò cạp là chích. Còn bản tính của tôi là cứu. Tôi không thể làm gì khác hơn là cứu con bò cạp”.

            Có lẽ người đàn ông nọ nên dùng trí khôn mà lấy một que cây để vớt con bò cạp. Nhưng có thể ông ta nghĩ rằng mình có thể vớt nó bằng tay với một cách nào đó để khỏi bị chích. Hoặc ông ta có thể nghĩ rằng một con bò cạp trong cơn hoạn nạn như vậy sẽ không chích mình. Trong bất cứ trường hợp nào, bài học của câu chuyện này là phản ứng tức thời của người đàn ông muốn cứu một sinh mạng khác, dù đó chỉ là một loại côn trùng. Người này có tâm từ cao quý đến độ cho dù mình chỉ nhận sự vô ơn của người mình giúp, điều đó cũng không sao. Đức tính của ông ta là lòng sẵn sàng giúp đỡ, và nếu phải giúp nữa thì ông cũng làm. Ông ta không biết ghi giữ trong lòng một sự cay đắng thù hận nào!

            Do đó, lòng từ ái là ngôn ngữ của con tim. Khi chúng ta được tình thương yêu và từ tâm thúc đẩy, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ người khác, bất kể màu da, tôn giáo, quốc tịch. Khi đã có từ tâm thì việc xác định màu da, tín ngưỡng v.v... trở thành thứ yếu, không còn quan trọng nữa.

            Nếu chúng ta cố gắng nuôi dưỡng loại tình thương yêu và từ tâm như vậy, khi đến lúc chết, chúng ta sẽ ra đi một cách bình an, thanh thản. Ngay cả nếu chúng ta chưa thành công một trăm phần trăm trong nỗ lực thương yêu toàn hảo, chúng ta vẫn có thể vui sướng và hài lòng là mình đã cố gắng tận lực. Và chắc chắn là chúng ta đã thành công trong một mức độ nào đó.

            Ngũ giới

            Nếu chúng ta đã cố gắng nuôi dưỡng loại tình thương yêu như vậy, thì việc giữ năm giới sẽ không phải là một việc làm quá khó khăn. Khi chúng ta giữ trọn vẹn năm giới này – không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu hoặc dùng các chất say – chúng ta mang hạnh phúc và an toàn đến người khác. Bằng cách nào? Là vì không ai phải sợ hãi, e ngại chúng ta. Họ cảm thấy rất an toàn và thoải mái khi gần gũi chúng ta. Họ cảm thấy an tâm vì chúng ta không làm hại họ, cướp của, hoặc lừa gạt họ. Chúng ta không dan díu với vợ chồng của họ. Chúng ta không nói dối với họ. Hơn nữa, nếu chúng ta không uống rượu, họ không phải lo lắng về chuyện con cái họ có thể bắt chước thói uống rượu của chúng ta. Họ cảm thấy có thể tin tưởng chúng ta vì chúng ta không uống rượu say sưa. Chúng ta sùng đạo và thực hành con đường thiện lành, ngay thẳng. Chúng ta là những người vô hại. Người nào còn ham muốn thú vui với cảm giác mạnh có thể nghĩ rằng chúng ta có một cuộc đời nhàm chán, và chúng ta là người điên rồ, ngu dại. Nhưng điều đó không quan trọng. Chúng ta vui vẻ chấp nhận con người chúng ta. Và người nào có sự hiểu biết minh triết sẽ ngợi khen chúng ta.

            Vậy thì việc chúng ta giữ năm giới là điều tốt, là điều thiện lành. Hơn nữa, chúng ta còn thực hành lòng bố thí rộng rãi và tử tế. Chúng ta quan tâm và chia sẻ những gì chúng ta có. Chúng ta cũng cố gắng tăng trưởng sự giác niệm mà Đức Phật đã dạy. Chúng ta tinh tấn sống một cuộc đời trong tỉnh giác. Chúng ta hành thiền đều đặn để hiểu rõ hơn về bản chất của sự hiện hữu của mình, những đặc tính của vô thường, khổ và vô ngã. Cho nên, khi chúng ta đã chu toàn mọi việc đó, khi chúng ta đã sống một cuộc đời tốt đẹp, chúng ta còn gì để sợ khi chúng ta chết? Chúng ta còn gì để ân hận?

            Chính vì vậy, muốn có một cái chết tốt thì phải có một cuộc sống tốt. Và khi đã sống đẹp, chúng ta có thể chết đẹp. Chúng ta có thể ra đi bình an, hài lòng rằng mình đã làm tất cả những gì mình có thể làm được. Chúng ta có thể còn phạm vài lỗi lầm trong cuộc sống. Nhưng có mấy ai sống mà không phạm lỗi lầm? Là phàm nhân chưa giác ngộ, chúng ta có thể đã làm một số việc sai quấy. Điều đó dễ hiểu, vì không ai hoàn toàn cả. Nhưng điều quan trọng là một khi nhận ra những sai lầm đó, chúng ta bắt đầu vun trồng tình thương yêu và từ tâm, bắt đầu gìn giữ giới hạnh và thanh lọc tâm thức của mình. Chúng ta vui sướng vì mình còn có đủ thì giờ và cơ duyên để chuyển sang con đường đúng đắn của Chánh pháp, để đưa đến giải thoát tối hậu. Như người ta thường nói: “thà trễ còn hơn không”, chúng ta có thể đến nơi đó có phần chậm trễ hơn nhiều người khác, nhưng ít ra, ta vẫn có thể tiến đến đó được.

Trở về trang bài vở

 

 

 

Trở về trang nhà