...... ...  

 

 

Lệch thừa không bằng ngay thiếu

 

Lê Đàn

 

Kiềm Lâu là một bậc cao sĩ nước Tề thời Xuân Thu, tính tình ông cương trực, lúc nào cũng trọng nghĩa khinh tài, không màng danh lợi.

Nhiều nước chư hầu mời ông ra làm khanh tướng nhưng ông không nhận. Vua Uy Vương nhà Chu kính thờ ông như thầy.

Ông nghèo lắm, lúc mất chỉ có cái chăn ngắn, không liệm đủ thân thể. Thầy Tăng Tử đến viếng thấy vậy nói:

- Để lệch cái chăn đi thì liệm đủ thân thể.

Bà vợ ông bảo:

- Lệch mà có thừa, không bằng ngay mà chẳng đủ. Lúc sinh thời, tiên sinh chỉ vì tính thẳng mới được như thế. Bây giờ tiên sinh mất mà liệm lệch cho người thì chắc không được hợp ý tiên sinh.

Tăng Tử nghe, trong lòng thán phục:

- Chỉ có người chồng như thế mới có được người vợ như thế! (Theo Cổ học tinh hoa)

Bài học đạo lý: 

Kiềm Lâu là một bậc ẩn sĩ có tri thức và chí khí cao vời. Ông giỏi có tiếng nhưng không chịu ra làm quan vì chẳng muốn vướng vào vòng lợi danh quan lại. Sống trong cảnh nghèo mà "không lấy sự nghèo hèn làm buồn rầu, không lấy sự giàu sang làm hâm mộ". Kiềm Lâu sống cao khiết đến độ khi mất chẳng có bất cứ vật gì trừ cái chăn ngắn không liệm đủ thân thể. Thầy Tăng Tử đến viếng khuyên nên để lệch cái chăn cho đủ, nhưng bà vợ của ông nhất quyết: "Lệch mà có thừa, không bằng ngay mà chẳng đủ!".

Người sống trên đời trong sạch và liêm khiết như Kiềm Lâu thì lúc sinh thời cho đến mất đi, không những vợ con, họ hàng mà cả thiên hạ đều vô cùng thương tiếc, kính phục. Chí khí thanh cao, xem thường lợi danh của ông là một bài học quý giá để mọi người noi theo.

Ở đời, sống ẩn dật và chối từ danh lợi như ông Kiềm Lâu đã là hiếm có. Tuy vậy, tìm ra một người vợ chịu chấp nhận cuộc sống nghèo nàn và ủng hộ quan điểm sống thanh cao của chồng như bà Kiềm Lâu lại càng hiếm hoi hơn. Bởi có không ít những đức ông chồng vốn chuộng cái tính "thẳng" để chí ít là sống cho ra người, ngẩng cao đầu trong thiên hạ mà các bà vợ không cam nổi nghèo khó nên đã biến cái tính "thẳng" ấy thành "lệch". Cho nên, có người chồng như thế lại gặp người vợ như thế, thật là xứng đôi và hiếm có nên thầy Tăng Tử khen rất phải.

Câu chuyện về đức liêm khiết của Kiềm Lâu dẫu là chuyện rất xa xưa trong bối cảnh xã hội thời Xuân Thu nhưng vẫn là một bài học đạo đức rất đáng để cho tất cả chúng ta học tập, noi gương, nhất là trong bối cảnh tham nhũng đang là quốc nạn hiện nay. Bởi vì có thể, có một lúc nào đó vì chuyện áo cơm vất vả lo toan, sợ thua chúng kém bạn nên cố chạy theo vật chất xa hoa mà chúng ta sống không "thẳng", bị "lệch" đi theo chiều hướng hưởng thụ, vị kỷ.

Cho nên, "Lệch thừa không bằng ngay thiếu", sống liêm khiết mà thanh cao và thảnh thơi là một trong những đạo lý sống có từ ngàn xưa mà vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận hôm nay và cả ngày mai.

  

Trở về trang bài vở

 

 

 

Trở về trang nhà